Cải thiện sức đề kháng cho bé không khó nếu mẹ lưu ý những điều này
03/03/2021Thời tiết giao mùa là khoảng thời gian virus gây bệnh hoành hành. Đặc biệt với các bé, hệ miễn dịch và sức đề kháng chưa thực sự tốt nên rất dễ trở thành đối tượng dễ bị tấn công. Biểu hiện rất rõ ràng mà phụ huynh có thể nhận thấy ngay. Chẳng hạn như đau họng, ho, sổ mũi,…Nếu nặng hơn sẽ bị sốt cao hoặc phải nhập viện điều trị. Do đó, bố mẹ cần phải có cách để tăng sức đề kháng cho trẻ. Dưới đây là những điều mà phụ huynh cần lưu ý để con có thể phát triển khỏe mạnh hơn. Hãy cùng GEF tham khảo nhé!
Mục lục
Ăn uống khoa học
Bạn cần chú ý bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất bằng cách cho trẻ ăn nhiều trái cây và rau quả tươi. Với một chế độ ăn cân bằng, khoa học, bạn sẽ không cần phải cho trẻ uống bất cứ loại thuốc bổ sung vitamin nào khác.
Cà rốt, đậu xanh, cam, dâu tây… là những thực phẩm có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng giúp tăng sức đề kháng cho trẻ như vitamin C và caroten. Các chất dinh dưỡng này sẽ kích thích cơ thể sản sinh ra nhiều tế bào bạch cầu và interferon. Đây là loại kháng thể có thể bao phủ bề mặt của tế bào. Giúp ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập. Không những vậy, nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng, trẻ nhỏ ăn nhiều rau xanh và trái cây còn giảm nguy cơ bị ung thư khi lớn lên. Chính vì vậy, mỗi ngày, bạn nên cố gắng cho bé ăn khoảng 5 phần hoa quả và rau xanh. Như vậy giúp bé phát triển khỏe mạnh hơn.
Đảm bảo sức khỏe đường ruột
Probiotics là vi khuẩn tốt trong đường ruột, giúp giữ cho những vi khuẩn xấu không làm tổn hại đến cơ thể. Bạn nên chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe đường ruột cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn nhiều các loại thực phẩm chứa probiotics. Các nhà nghiên cứu cho rằng vi khuẩn tốt có tác động tích cực lên hệ miễn dịch. Thậm chí có thể điều chỉnh phản ứng miễn dịch thông qua hệ miễn dịch niêm mạc ruột. Do đó, bạn nên thường xuyên cung cấp thực phẩm giàu chất probiotics vào bữa ăn của bé. Chẳng hạn như sữa chua, bơ hoặc bắp cải muối chua…
Tập thể dục thường xuyên
Bạn cần khuyến khích trẻ vận động mỗi ngày thay vì cứ dành thời gian “dán mắt” vào màn hình để xem ti vi, chơi trò chơi…Bởi vận động sẽ tốt cho sức khỏe của trẻ. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh tập thể dục rất quan trọng đối với hệ miễn dịch của cơ thể. Bởi việc làm này sẽ giúp cơ thể sản xuất một chất chống viêm tự nhiên.
Ngoài ra, nó còn giúp loại bỏ vi khuẩn có thể có trong đường hô hấp. Giảm nguy cơ bị cảm lạnh hoặc cúm. Giúp các tế bào bạch cầu lưu thông nhanh hơn. Từ đó phát hiện và chống lại bệnh tật hiệu quả. Ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn xấu. Hạn chế giải phóng các hormone căng thẳng. Mỗi ngày, hãy khuyến khích trẻ vận động khoảng 30 phút mỗi lần, 5 lần/tuần. Dần dần bạn sẽ thấy sức khỏe của bé được cải thiện rõ.
Uống nhiều nước
Tình trạng mất nước sẽ làm giảm khả năng miễn dịch. Khiến cơ thể khó đánh bại các loại vi khuẩn, virus đang tìm cách xâm nhập. Để tránh tình trạng này, bạn cần nhắc nhở trẻ uống đủ nước mỗi ngày. Nước giúp oxy hóa máu dễ dàng hơn trong cơ thể, giúp các tế bào hoạt động hết công suất. Những tế bào khỏe mạnh chứa đầy oxy sẽ giúp cơ thể của bé luôn khỏe mạnh. Hình thành khả năng miễn dịch vượt trội chống lại “kẻ thù” xâm nhập từ bên ngoài. Không những vậy, việc uống nhiều nước còn giúp thận đào thải sạch các độc tố thông qua việc bài tiết nước tiểu. Hơn thế nữa, não cũng được tăng cường trao đổi chất.
Lưu ý giấc ngủ của trẻ
Giấc ngủ ảnh hưởng mạnh mẽ đến hệ miễn dịch của trẻ. Ngủ là lúc mà cơ thể nghỉ ngơi và tự hồi phục, nếu trẻ không ngủ đủ giấc hoặc ngủ không ngon, cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể sẽ bị suy yếu. Không những vậy, tình trạng thiếu ngủ còn khiến các tế bào xung kích tự nhiên (vũ khí của hệ miễn dịch có tác dụng tấn công vi khuẩn và tế bào ung thư) bị giảm dần đi.
Để bảo vệ sức khỏe của trẻ một cách tốt nhất, bạn cần:
Duy trì một thời gian biểu đi ngủ – thức dậy đều đặn mỗi ngày, ngay cả những ngày cuối tuần.
Duy trì những thói quen tốt trước khi đi ngủ như tắm nước ấm, đọc sách, hát ru…
Không cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử ít nhất nửa giờ trước khi đi ngủ.
Cho trẻ không gian yên tĩnh khi ngủ
Vắc xin tiêm phòng đầy đủ
Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, bạn cho trẻ tiêm đầy đủ các mũi vắc xin trong chương trình tiêm chủng quốc gia. Với những mũi tiêm chủng dịch vụ, bạn có thể cân nhắc tùy vào hoàn cảnh và quan điểm của gia đình. Nhưng cũng nên cho bé tiêm đủ, đặc biệt là mũi vắc xin phòng bệnh cúm mùa. Việc tiêm vắc xin kích thích cơ chế tự vệ tự nhiên của cơ thể. Nhờ đó, sức đề kháng tăng và chống lại bệnh tật.
Tránh tiếp xúc khói bụi
Trong khói thuốc có chứa đến hơn 4.000 độc tố. Hầu hết trong số đó có thể gây kích ứng hoặc tiêu diệt các tế bào trong cơ thể. Do hệ miễn dịch còn non nớt nên khi tiếp xúc với khói thuốc, trẻ nhỏ sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn so với người lớn.
Những trẻ thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc sẽ có nguy cơ bị đột tử (SIDS). Hoặc bị viêm phế quản, nhiễm trùng tai và hen suyễn. Ngoài ra, việc hít phải khói thuốc còn có thể ảnh hưởng đến trí thông minh và sự phát triển thần kinh. Chính vì vậy, để giúp con có một sức khỏe tốt cần cho bé tránh tiếp xúc những nơi có nhiều khói bụi.
Giữ vệ sinh tay chân miệng
Việc này không giúp tăng cường miễn dịch, nhưng giúp hệ miễn dịch ít bị tổn hại. Theo các chuyên gia về y tế, trên bàn tay của mỗi người có chứa hàng triệu vi sinh vật gây hại. Trong đó có rất nhiều vi khuẩn gây ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Chẳng hạn như tiêu chảy cấp, cúm, tả, lỵ, thương hàn, tay chân miệng…
Vệ sinh tay được coi là phương pháp đơn giản, dễ thực hiện. Hiệu quả về chi phí có thể cứu sống hàng triệu người. Chỉ một động tác đơn giản là rửa tay với xà phòng diệt khuẩn đã có thể giúp giảm rủi ro nhiễm khuẩn tiêu chảy tới 47%. Giảm đáng kể tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp từ 19 – 45%. Phòng ngừa rất hiệu quả căn bệnh tay chân miệng ở trẻ em. Do đó, cả gia đình nên thường xuyên vệ sinh tay chân miệng để tranh mắc bệnh
Không lạm dụng thuốc kháng sinh
Mỗi khi trẻ bị ốm, mẹ cho con uống thuốc kháng sinh không phải là một ý tưởng tốt. Tiến sĩ Howard Bauchner, một giáo sư nhi khoa và y tế công cộng tại Đại học Y khoa Boston, Mỹ, cho biết: “Thuốc kháng sinh chỉ điều trị các bệnh do vi khuẩn, nhưng bệnh thường gặp nhất ở trẻ em đều do tác nhân là virus”.
Tuy nhiên, nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy có rất nhiều bác sĩ nhi khoa buộc phải miễn cưỡng kê thuốc kháng sinh theo yêu cầu của các bậc cha mẹ. Kết quả là tình trạng vi khuẩn quen thuộc với loại thuốc này sẽ xảy ra và các bệnh đơn giản sẽ khó khăn hơn để điều trị. Thay vì cho con uống kháng sinh ngay khi mới chớm bệnh, mẹ nên để cơ thể bé tự kiểm soát căn bệnh trong tình trạng hợp lý.
Nguồn: hellobacsi.com